Thừa phát lại của Văn phòng Thừa phát lại Quảng Ninh (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) hướng dẫn người dân thủ tục lập vi bằng. |
Những kết quả tích cực
Trong 6 năm (2015-2020), các Văn phòng Thừa phát lại đã tống đạt gần 170.000 văn bản, doanh thu 16,8 tỷ đồng; xác minh điều kiện thi hành án 50 vụ việc và tổ chức thi hành án 45 vụ việc, tổng doanh thu trên 3,5 tỷ đồng; lập và đăng ký tại Sở Tư pháp 3.054 vi bằng, doanh thu trên 8,2 tỷ đồng. Một số dạng vi bằng được lập phổ biến tại các Văn phòng Thừa phát lại: Vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền, giao nhận giấy tờ trong các giao dịch dân sự; vi bằng ghi nhận hiện trạng nhà ở đang sử dụng, hiện trạng quyền sử dụng đất...
Chế định Thừa phát lại là một chế định pháp luật mới, được triển khai thí điểm đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh từ năm 2010, sau đó năm 2012 tiếp tục thực hiện thí điểm và mở rộng việc thực hiện chế định Thừa phát lại tại 13 tỉnh, thành phố (trong đó có Quảng Ninh) đến hết ngày 31/12/2015. Ngày 26/11/2015, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 107/2015/QH13 về thực hiện chế định Thừa phát lại, theo đó, Thừa phát lại được thực hiện chính thức trên phạm vi toàn quốc kể từ ngày 1/1/2016.
Việc thực hiện chế định Thừa phát lại có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện tốt chủ trương về xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp đã được đề ra tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Trên cơ sở đó, tạo tiền đề để giảm tải công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tòa án, cơ quan thi hành án dân sự, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Mặt khác, với chức năng lập vi bằng của Thừa phát lại, việc thực hiện chế định này đã bổ sung nguồn chứng cứ, tạo thêm công cụ pháp lý để người dân bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế và trong giải quyết tranh chấp. Đồng thời, người dân cũng có thêm sự lựa chọn phù hợp trong việc yêu cầu thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
Anh Ngô Xuân Thuận (phường Hùng Thắng, TP Hạ Long) cho biết: “Ban đầu, tôi cũng chưa hiểu rõ hoạt động thừa phát lại là như thế nào. Nhưng khi gia đình có việc cần ghi nhận hiện trạng công trình nhà ở làm cơ sở giải quyết các công việc có liên quan về sau, tôi có tìm hiểu và được biết đến việc lập vi bằng của hoạt động thừa phát lại. Tại Văn phòng Thừa phát lại Quảng Ninh, tôi được Thừa phát lại và các chuyên viên hướng dẫn nhiệt tình, đầy đủ các thủ tục cho việc lập vi bằng. Việc ghi nhận lại hiện trạng, sự kiện, sự việc với sự chứng kiến của Thừa phát lại, thể hiện bằng vi bằng là nguồn chứng cứ, đảm bảo pháp lý cho người dân chúng tôi bảo vệ quyền lợi của mình sau này nếu có tranh chấp xảy ra.
Quá trình lập vi bằng, Thừa phát lại phải trực tiếp chứng kiến, ghi nhận sự việc, sự kiện. (Trong ảnh: Thừa phát lại Văn phòng Thừa phát lại Quảng Ninh lập vi bằng ghi nhận hiện trạng công trình theo yêu cầu của người dân) |
Cần đẩy mạnh tuyên truyền
Trong những năm qua, bên cạnh sự phát triển năng động về kinh tế, các quan hệ xã hội trên địa bàn tỉnh diễn ra có xu hướng ngày càng phức tạp, tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn, tranh chấp. Các khiếu kiện hành chính, tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động thường xuyên xảy ra và có chiều hướng tăng về số lượng, phức tạp, đa dạng về nội dung. Từ tình hình trên, trong giai đoạn hiện nay việc thực hiện chủ trương phát triển loại hình dịch vụ Thừa phát lại là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu chính đáng của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; tạo cơ hội cho người dân có quyền lựa chọn việc yêu cầu thi hành bản án, quyết định của Tòa án với thời gian nhanh hơn, hiệu quả hơn, bảo đảm quyền và lợi ích các bên có liên quan, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, giảm tải công việc cho hệ thống tòa án, Viện kiểm sát và cơ quan thi hành án dân sự.
Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định. Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định. (Nghị định 08/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại). |
Sự gia tăng số lượng vi bằng được lập và được đăng ký cho thấy nhu cầu chính đáng của cá nhân, cơ quan, tổ chức về việc lập vi bằng để dùng làm nguồn chứng cứ cung cấp cho Tòa án phục vụ việc xét xử và để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác là rất lớn nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân.
Văn phòng Thừa phát lại Quảng Ninh (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) tuy mới được thành lập từ tháng 10/2020 nhưng đến nay đã thực hiện lập và đăng ký tại Sở Tư pháp được 46 vi bằng ghi nhận các hành vi, sự kiện trong đời sống xã hội. Bà Hoàng Thị Bích Thu, Trưởng văn phòng Văn phòng Thừa phát lại Quảng Ninh cho biết: “Từ khi có quyết định thành lập, văn phòng đã đi vào hoạt động ngay, đến nay đội ngũ cán bộ, trang bị cơ sở vật chất đã kiện toàn, đi vào hoạt động ổn định. Cái khó khăn nhất hiện nay, chủ yếu do mô hình thừa phát lại là dịch vụ pháp lý mới nên người dân vẫn chưa tiếp cận và hiểu nhiều về dịch vụ này. Do vậy, trong thời gian tới, chúng tôi rất mong các cấp, ngành quan tâm phối hợp, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để người dân hiểu, qua đó có thêm sự lựa chọn phù hợp nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.”
Hiện trên địa bàn tỉnh có 6 Văn phòng Thừa phát lại với 9 Thừa phát lại tại các địa phương: Hạ Long, Uông Bí, Móng Cái, Cẩm Phả, Đông Triều. Các Thừa phát lại phần lớn đều là chấp hành viên, điều tra viên, luật sư và cán bộ ngành tư pháp đã nghỉ hưu có nhiều năm công tác pháp luật, có bề dày kinh nghiệm và trình độ chuyên môn trong việc tổ chức triển khai nhiệm vụ Thừa phát lại.
Mặc dù là nghề mới, còn gặp nhiều khó khăn nhưng ý thức, tinh thần trách nhiệm về công việc của Thừa phát lại luôn được các văn phòng đặt lên hàng đầu. Nhiều văn phòng đã chủ động tổ chức cho các Thừa phát lại đi nghiên cứu học tập kinh nghiệm các văn phòng Thừa phát lại tại TP Hồ Chí Minh, tích cực tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng do Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp tổ chức. Nhìn chung, các văn phòng Thừa phát lại đã hoạt động đi vào nền nếp, cơ bản chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật. Mặc dù thời gian hoạt động chưa dài, nhưng hoạt động của các văn phòng Thừa phát lại đã thu được kết quả khả quan, được xã hội, người dân đón nhận tích cực.
Ông Hứa Quang Việt, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp) cho biết: “Sau khi Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại được ban hành và có hiệu lực, Sở tham mưu trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện, xây dựng Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2030; thành lập Văn phòng Thừa phát lại tại TP Hạ Long; tổ chức hội nghị tập huấn, triển khai Nghị định số 08/2020/NĐ-CP cho trên 100 cán bộ đại diện các sở ngành, cơ quan tiến hành tố tụng, thi hành án, phòng tư pháp và các Thừa phát lại, nhân viên nghiệp vụ của các Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh và thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực Thừa phát lại.
Theo Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2030, được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 2432/QĐ-UBND ngày 17/7/2020, trong giai đoạn từ năm 2020 đến 2030, phát triển thêm 7 văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh.
Những kết quả đạt được về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại trong thời gian qua bước đầu khẳng định hoạt động mô hình phù hợp, cần thiết cho xã hội và cho hoạt động tư pháp, được người dân ủng hộ.